Lưu trữ

Author Archive

Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) – Nơi vang vọng tiếng gọi lương tâm

Tháng Chín 25, 2011 Bình luận đã bị tắt

QĐND Online – Xã Sơn Mỹ (Tịnh Khê), thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách thị xã khoảng 12km về phía đông, có 4 thôn: Tư Cung, Mỹ Lai, Trường Định và Cổ Lũy. Thôn Cổ Lũy nằm sát biển, phía trước là bờ biển dài trên 7 km với bãi cát vàng óng ả, một bãi biển đẹp của duyên hải miền Trung Nam Bộ. Phía sau là con sông Kinh- một nhánh của sông Trà Khúc chảy ra biển Đông qua cửa Sa Kỳ. Trước biển, sau sông như một ốc đảo, là một trong 12 cảnh đẹp của tỉnh Quảng Ngãi, có mỹ danh “Cổ Lũy cô thôn”. Xóm Khê Hội (Mỹ Lai 2) là xóm nhỏ đầu thôn Cổ Lũy. Thôn Tư Cung nằm phía tây xã, án ngữ con đường tỉnh lộ 24B từ thị xã Quảng Ngãi xuống. Nơi đây, ruộng nước xen lẫn với xóm làng; các xóm dân cư ngăn cách bởi các cánh đồng. Quanh thôn có lũy tre bao bọc, đầu thôn có cây to bóng mát, đường vào thôn từ xóm này qua xóm khác chỉ có một, lỗ chỗ vết chân trâu … Hai thôn Mỹ Lai và Trường Định nằm giữa xã, đất rừng pha cát, cao ráo và bằng phẳng, thuận tiện cho việc đi lại, kể cả cơ giới. Thời miền Nam còn nằm dưới ách thống trị của Mỹ- ngụy, trên bản đồ tác chiến của quân đội Mỹ, chúng lấy địa danh một vị trí trung tâm (Mỹ Lai), sau đó thêm các con số để chỉ các vùng lân cận. Do đó, hai thôn Mỹ Lai và Trường Định còn có tên Mỹ Lai 2, Mỹ Lai 3, Mỹ Lai 5, Mỹ Lai 6.

Cách đây 41 năm, chỉ trong buổi sáng ngày 16-3-1968, tại hai xóm Khê Hội (Mỹ Lai 2) và Thuận Yến (Mỹ Lai 4) thuộc xã Sơn Mỹ, quân xâm lược Mỹ đã gây ra một tội ác tày trời làm nhức nhối lương tâm nhân loại, thảm sát 504 đồng bào ta, trong đó có 182 phụ nữ (17 người đang mang thai), 173 trẻ em (có 56 em dưới 5 tháng tuổi), 60 cụ già trên 60 tuổi, 89 trung niên, cùng 247 ngôi nhà bị thiêu hủy, hàng ngàn trâu bò, gia súc bị giết.

Sáng ấy, như lệ thường, nhân dân Sơn Mỹ dậy sớm, chuẩn bị cho một ngày lao động mới, bỗng đâu những loạt đạn pháo từ các trận địa ở núi Răm (Bình Liên, Bình Sơn), chi khu Sơn Tịnh, tiểu khu Quảng Ngãi cấp tập bắn vào Sơn Mỹ. Pháo nổ rung chuyển trời đất, khói lửa mù mịt như xé nát không gian, bầu trời, muốn chôn vùi tất cả: nhà cửa, sinh vật, đến từng ngọn cỏ, lá cây… Hơn 30 phút bắn pháo vừa dứt thì đến lượt trực thăng vũ trang oanh kích. Cuộc oanh kích của pháo binh và trực thăng kéo dài hơn một tiếng đồng hồ thì đến lượt từng toán trực thăng chở quân (mỗi toán từ 9 đến 11 chiếc) từ hướng Chu Lai bay vào đổ quân xuống vạt ruộng phía tây thôn Tư Cung và bãi đất trống trên rừng bà Chín Cựu, gần xóm Khê Hội, thôn Cổ Lũy. Lính Mỹ vừa chạm chân xuống đất liền triển khai ngay đội hình chiến đấu, bao vây hai xóm nhỏ (đã chấm dấu đỏ sẵn trên bản đồ) là Mỹ Lai 2 (xóm Khê Hội) và Mỹ Lai 4 (xóm Thuận Yên). Những người ẩn nấp trong các căn hầm tránh pháo ở ngoài đồng tưởng chỉ là một cuộc càn quét bình thường như mọi khi, ai dè… Một cảnh tượng khủng khiếp đã diễn ra ở hai xóm Khê Hội và Thuận Yên: Cây cối đổ nát, nhà cháy, người chết la liệt. Hầm trú ẩn nào cũng bị bọn lính bộ binh Mỹ dùng mìn đánh sập giết những người trong hầm, ai còn sống hay bị thương chạy lên thì bị chúng dùng lê đâm hoặc dùng tiểu liên bắn chết ngay tại chỗ. Nhà nào cũng có người chết, toàn người già, đàn bà, trẻ em. Chết dưới hầm, chết trên miệng hầm, chết trong nhà… Xác chết nằm la liệt.

Tuy nhiên, cuộc “xạ kích’ vào Mỹ Lai 2 cũng chỉ là thứ yếu, mũi chủ yếu vẫn là Mỹ Lai 4. Ở đây, chúng sử dụng lực lượng 2 đại đội, một làm nhiệm vụ bao vây, một dùng để tàn sát. Và cuộc tàn sát theo kiểu phát xít Hít-le của chúng diễn ra ở đây rất bài bản, chính quy: Dùng trực thăng và lính bộ binh bao vây không cho một người dân nào chạy ra khỏi làng. Hễ trông thấy một vật di động nào là ngay lập tức phóng rốc- két, dùng đại liên và tiểu liên của bộ binh đặt trên máy bay tiêu diệt ngay. Khi đã bao vây chặt ngôi làng, lính Mỹ “như một bầy thú hung hăng xông thẳng vào thôn xóm bắn giết. Chúng chia nhau làm ba tốp: một tốp giết người, một tốp giết súc vật, tàn phá hoa màu và tốp còn lại đi đốt nhà. Chúng đi tới đâu là gây cảnh người chết, nhà cháy, cây cối xơ xác, tiêu điều đến đó” (Thông báo ngày 28-3-1968 của Ủy ban Dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Ngãi). Thây người chồng chất, máu chảy ngập đồng, chỉ trên một đoạn mương chưa đầy 30m đã có 170 dân thường bị sát hại dưới họng súng của tên trung úy Mỹ Calley và binh lính của hắn. Nhiều người bị thương rên la còn cựa quậy, chúng liền dùng tiểu liên điểm xạ từng người một để kết liễu đời họ.

Chỉ một năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được một năm (năm 1976), Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã cho xây dựng Khu chứng tích Sơn Mỹ để tưởng nhớ đến những người dân thường bị lính Mỹ sát hại dã man trong chiến tranh. Quần thể Khu chứng tích nằm trên phần đất từng xảy ra vụ thảm sát, từ cổng Khu đi vào, ở cuối con đường là tượng đài chính, nghi ngút khói hương. Trên bệ là nhóm tượng các nạn nhân với vẻ mặt đau đớn tột cùng. Hai bên lối vào còn nhiều tượng cỡ nhỏ miêu tả tư thế của các nạn nhân xấu số. Nhà chứng tích nằm bên trái lối vào. Đó đây và phía trước hai bên lối vào là những cây xén tỉa hình các nấm mồ. Các vật trưng bày trong Nhà chứng tích là những tư liệu ảnh, vật dụng minh chứng về vụ thảm sát. Ngoài khuôn viên Nhà chứng tích còn có con mương là nơi 170 người bị thảm sát tập thể; 11 nền nhà với 11 tấm bia trong số 24 gia đình không còn người nào sống sót, trên mỗi tấm bia đều ghi tên tuổi những thành viên trong gia đình; nấm mồ chôn chung 11 người, giếng nước cụ Hương Thơ bị lính Mỹ đẩy xuống… Đi qua nơi đây, không ai cầm được nước mắt. Khu Chứng tích Sơn Mỹ không phải là nơi khơi gợi sự thù hận mà là nơi vang vọng tiếng gọi lương tâm nhân loại đang khao khát cuộc sống hòa bình./.

TRANG THU

qdnd.vn

Mường Chà – nơi Bộ đội Cụ Hồ giúp dân “xóa đói, giảm nghèo”

Tháng Năm 25, 2011 Bình luận đã bị tắt

QĐND Online – Khu KTQP Mường Chà nằm trên địa bàn 15 xã thuộc 3 huyện của tỉnh Điện Biên và Lai Châu với diện tích tự nhiên 3.636,24 km2. Dân số 9.836 hộ với 62.061 nhân khẩu, trong đó dân tại chỗ là 3.476 hộ với 21.313 khẩu; số dân nơi khác di cư đến là 6.382 hộ với 40.748 khẩu, chiếm tỷ lệ 65,6%. Đây là khu vực rừng núi, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, dân trí thấp, tình hình an ninh chính trị phức tạp. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ cơ sở vừa thiếu, vừa yếu, một bộ phận nhân dân lại bị kẻ xấu mua chuộc, lôi kéo truyền đạo trái phép, di dịch cư tự do. Đoàn 379 được thành lập theo Quyết định số 909/1999/QĐ – QP ngày 22-6-1999 của Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng, với nhiệm vụ: Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi ở địa bàn chiến lược phía Tây Bắc của Tổ quốc; phối hợp cùng cấp ủy – chính quyền, đoàn thể địa phương làm công tác tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng cơ sở chính trị địa bàn ở các xã, bản vững mạnh.

Với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc; kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới; hình thành cụm làng xã biên giới, tạo vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc, Đoàn đã phối hợp với địa phương và các lực lượng vũ trang trên địa bàn triển khai xây dựng khu kinh tế – quốc phòng. Bao gồm, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội trong vùng; khai thác tiềm năng đất đai để phát triển sản xuất phục vụ mục tiêu trước mắt và lâu dài, từng bước chuyển dần sang kinh tế hàng hóa, tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị hàng hóa cao, phù hợp với điều kiện vùng; quy hoạch, ổn định dân cư; bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý và bền vững nguồn tài nguyên; cải thiện, nâng cao đời sống, phục hồi, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Trong những năm qua, thông qua các dự án hỗ trợ đầu tư về giống, vật tư … công lao động của người dân đã tăng 25%, thu nhập bình quân lăng 30%, năng suất cây trồng tăng 27%, xoá 366 nhà tạm… Tỷ lệ đói nghèo hằng năm giảm từ 62% (năm 1998) xuống còn 36% (năm 2006), trong đó số hộ dân được hỗ trợ trực tiếp từ dự án thoát nghèo là 65%.

Đảng uỷ – chỉ huy Đoàn đã có Nghị quyết lãnh đạo chuyên đề công tác dân vận, Nghị quyết liên tịch giữa Đảng uỷ Đoàn 379 với Huyện uỷ huyện Mường Nhé. Cấp uỷ, chỉ huy các cấp thường xuyên quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về công tác dân vận trong tình hình mới, chủ động đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, hình thức nội dung phong phú. Phát huy tác dụng 6 trạm thu phát truyền hình để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa bàn trong thời gian qua.

Trong 8 năm qua, đã có hơn 500 lượt tổ đội công tác liên ngành với 1.600 người xuống 600 1ượt bản làm công tác dân vận, tuyên truyền xây dựng làng, bản văn hoá. Đến nay, 156 trong tổng sổ 175 bản đã có chuyển biến khá. Cùng với công tác xây dựng cơ sở chính trị địa bàn, giữ vững an ninh chính trị, Đoàn đã tăng cường trang thiết bị, phương tiện như ti vi, loa đài đến các tổ, đội công tác, kịp thời phục vụ nhu cầu thông tin, tuyên truyền về văn hoá – xã hội đối với dân bản ở vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao dân trí. Tham gia giải quyết 68 vụ tranh chấp đất đai, cùng nhân dân làm 125 km đường dân sinh liên bản ở Mường Toong, Mường Nhé; 7km đường ôtô ở Nà Hỳ, khai hoang ruộng lúa nước được 30 ha ở Mường Toong, Nà Hỳ, Si Pa Phìn chia cho dân canh tác. Nạo vét 2.000m kênh mương. Vận động 1.528 cháu học sinh bỏ học trở lại lớp, mở hai lớp chống tái mù chữ cho 35 người, dạy tiếng Mông cho 45 giáo viên ở hai trường Nà Hỳ; tổ chức đưa 70 già làng, trưởng bản đi thăm quan các di tích lịch sử ở Phú Thọ, Điện Biên. Hướng dân nhân dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư và đưa vào sử dụng có hiệu quả hai nhà văn hoá tại hai bản điểm là bản Sân Bay, xã Si Pa Phìn và bản Huổi Chạ, xã Mường Nhé.

Đơn vị tổ chức vận động nhân dân thực hiện tốt các dự án kinh tế – quốc phòng như chăn nuôi, trồng trọi các loại vật nuôi, cây trồng có giá trị cao, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, giảm tỷ lệ di dịch cư từ 339 hộ năm 2001 xuống còn 264 hộ năm 2006. Từ tháng 8-2006, Đoàn đã triển khai thực hiện dự án đưa 47 trí thức trẻ tình nguyện tăng cường xuống cơ sở, thực hiện nhiệm vụ của đơn vị và giúp địa phương phải triển kinh tế- xã hội, góp phần thực hiện tốt công tác dân vận của đoàn 379 và địa phương khu vực đứng chân.

Công tác triển khai chương trình quân – dân y kết hợp, tổ chức khám, chữa bệnh cho dân cũng được chú trọng. Trên địa bàn khu kinh tế – quốc phòng Đoàn đảm nhiệm đã xây dựng được 5 bệnh xá quân-dân y kết hợp, trong đó bàn giao 3 bệnh xá cho chính quyền quản lý và khai thác sử dụng (xã Chà Nưa, Mường Toong, Mường Nhé), còn 2 bệnh xá do Đoàn quản lý. 8 năm qua, Đoàn đã cấp phát thuốc, khám chữa bệnh cho 10.450 lượt người bệnh (quân nhân Đoàn là 3.657 lượt, dân là 6.793 lượt); tổ chức điều trị tại bệnh xá 2.223 lượt bệnh; tổ chức cấp phát thuốc miễn phí tại các xã, bản cho 10.080 lượt người dân với trị giá thuốc 135.400.000 đồng; tập huấn cho 115 lượt y tá thôn, bản ở các xã trong khu kinh tế – quốc phòng Mường Chà; tập huấn tuyên truyền viên phòng chống HIV/AIDS cho 100 lượt người dân; tập huấn về phòng, chống sốt rét cho 50 lượt cán bộ y tế xã. . .

Quá trình thực hiện dự án đã quy hoạch bố trí, sắp xếp, ổn định được 3 cụm dân cư mới với 52 hộ cùng 368 khẩu (bản Nậm Chua 3 hộ, xã Nà Hỳ 17 hộ, 123 khẩu; khu vực Huổi Sái Lương, bản Trạm Púng, xã Mường Toong 17 hộ, 101 khẩu; bản Huổi Hạ, xã Si Pa Phìn với 18 hộ, 144 khẩu). Hỗ trợ ổn định cuộc sống cho các bộ thông qua việc hỗ trợ vật liệu lợp mái, hỗ trợ phát triển sản xuất. Trước mắt cũng như lâu dài từng bước làm thay đổi nhận thức của nhân dân trong vùng, thay đổi nền nếp sinh hoạt, đổi mới phương thức làm ăn, dần dần ổn định cuộc sống, nâng cao nhận thức cho nhân dân có ý chí tự lực vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, không trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước và địa phương.

Đoàn 379 suốt thời gian qua đã xây dựng được thế trận lòng dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhờ vậy đã thiết thực góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần củng cố lòng tin của người dân với Đảng với chế độ, với cấp uỷ, chính quyền các cấp; làm thất bại âm mưu phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch; củng cố thế trận quốc phòng- an ninh trên địa bàn Tây Bắc của Tổ quốc.

Phát huy những mặt mạnh và ưu thế đã đạt được, đồng thời nhận thức rõ những tồn tại để khắc phục, cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế-quốc phòng 379 quyết tâm xây dựng khu kinh tế-quốc phòng vững mạnh toàn diện, phát huy vai trò nòng cốt thực hiện dự án khu kinh tế-quốc phòng Mường Chà của Đoàn. Đoàn đã lấy mục tiêu xây dựng thế trận quốc phòng-an ninh làm trọng tâm, đi đôi với tham gia xoá đói- giảm nghèo, có hình thức tổ chức phù hợp để vận động quần chúng nhân dân tham gia dự án. Phối hợp chặt chẽ với địa phương quy hoạch ổn định dân cư, đưa dân ra biên giới, giúp dân tổ chức sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm, bảo vệ và phát triển rừng, xây dựng các công trình phục vụ sản xuất dân sinh… góp sức xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, nâng cao dân trí, xây dựng nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần củng cố quốc phòng-an ninh, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phát triển kinh tế- xã hội vùng dự án.

Trang Thu

qdnd.vn

Thượng Đức-Địa danh nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Tháng Tư 3, 2011 Bình luận đã bị tắt

QĐND Online – Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Thượng Đức ở phía tây tỉnh Quảng Đà (nay là Quảng Nam), cách thành phố Đà Nẵng 40 km theo đường chim bay, là tiền đồn bảo vệ căn cứ liên hiệp quân sự Đà Nẵng, một trong những căn cứ lớn của địch ở miền Nam. Sau Hiệp định Pa-ri (1973), Thượng Đức trở thành căn cứ  xuất phát các cuộc hành quân lấn chiếm của địch. Nông Sơn nằm trong thung lũng sông Thu Bồn. Thượng Đức nằm trong thung lũng sông  Vu Gia, như hai nhánh cây xòe ra, cắm sâu vào lòng dãy Trường Sơn  mà gốc cây là vùng B- Đại lộc và quận lỵ Đức Dục. Nhìn từ góc độ quân sự ở mặt trận Quảng Đà, thì vùng này có tầm quan trọng đặc biệt. Từ trước tới đây, nó là hậu cứ của Quân giải phóng ở mặt trận 4, nhưng sau ngày ký Hiệp định Pa-ri, bị quân ngụy lấn chiếm trái phép nên trở thành vùng tranh chấp. Ba phía: bắc, tây, nam đều là vùng căn cứ của ta, được nối với nhau bằng đường sông, đường bộ rất thuận tiện cho việc cơ động lực lượng. Thượng Đức nằm trên một địa hình rất hiểm yếu, ba bề là núi cao có nhiều dốc đứng, phía đông bằng phẳng là nơi hợp điểm của sông Côn và sông Vu Gia, nước sâu và chảy xiết. Ở đây chỉ có đường 14 qua Ái Nghĩa về Đà Nẵng. Đoạn đường từ Thượng Đức lên Bến Hiên, địch đã bỏ từ lâu. Phía tây và tây bắc, địch tổ chức nhiều tiền đồn trên các điểm cao.

Thượng Đức là một cứ điểm phòng thủ kiên cố, địch lợi dụng thế hiểm của địa hình xây dựng một hệ thống phòng thủ liên hoàn, tất cả các cơ quan chỉ huy, trung tâm thông tin, trạm thương binh và các kho tàng dự trữ đều nằm sâu dưới lòng đất. Trong các năm 1968, 1969, 1970, ta đã nhiều lần đánh Thượng Đức, nhưng không thành công. Mỗi lần bị đánh, địch lại tăng cường hệ thống phòng ngự kiên cố hơn. Chúng còn thiết kế hệ thống hầm ngầm hoàn chỉnh và các hỏa điểm bí mật. Địch mệnh danh Thượng Đức là : “Mắt ngọc”, là “Cánh cửa thép bất khả xâm phạm” và huênh hoang tuyên bố: “Khi nào nước sông Vu Gia chảy ngược thì Việt Cộng mới lấy được Thượng Đức”. Lực lượng địch ở đây có tiểu đoàn 79 biệt động biên phòng, đại đội bảo an 704, một trung đội pháo 105 ly, một trung đội cảnh sát dã chiến, một trung đội thám báo, một biệt đội sưu tầm và 21 trung đội dân vệ. Tổng số địch có 884 tên (chưa kể lực lượng phòng vệ dân sự). Ba ban hội đồng của 3 xã Lộc Bình, Lộc Vinh, Lộc Ninh có nhiều tên ác ôn khét tiếng chưa bị diệt. Hỏa lực của địch ở 3 xã này có  18 khẩu pháo cối các loại, 27 đại liên.

Lực lượng ta tham gia đợt mở đầu giải phóng Thượng Đức (28-7/7-8-1974) trong chiến dịch Nông Sơn – Thượng Đức có sư đoàn 304 (thiếu), được tăng cường một tiểu đoàn công binh của Lữ đoàn 209, đại đội tên lửa A.72, đại đội tên lửa B.72 của Quân đoàn 2, hai tiểu đoàn bộ đội địa phương của tỉnh Quảng Đà, 2 đại đội địa phương, một tiểu đoàn đặc công của Quân khu 5. Sau đó được tăng cường thêm trên một đại đội bộ binh có xe tăng và hỏa lực pháo binh, không quân chi viện.

Qua 10 ngày nổ súng chiến đấu, đợt tiến công mở đầu đánh chiếm Thượng Đức kết thúc thắng lợi. Cùng với lực lượng địa phương, các đơn vị của Quân đoàn 2 tham gia chiến dịch đã thực hiện trọn vẹn mục tiêu của đợt hoạt động, san bằng chi khu Thượng Đức và toàn bộ các vị trí địch ở xung quanh, diệt 1.600 tên địch (trong đó có 900 tên bị bắt sống và tiểu đoàn 79 Biệt động quân bị diệt gọn), bắn rơi 13 máy bay, thu hơn 1000 súng các loại; giải phóng quận lỵ Thượng Đức và 4 xã Lộc Ninh, Lộc Vĩnh, lộc Bình và Lộc Quang với hơn 13.000 dân, mở ra một bàn đạp quan trọng uy hiếp căn cứ quân sự liên hiệp Đà Nẵng của địch từ hướng tây nam.

TRANG THU

Tân Trào – quê hương cách mạng

Tháng Tư 2, 2011 Bình luận đã bị tắt

Cây đa Tân Trào. Ảnh: Internet

QĐND Online – Tân Trào giờ đây đã nổi danh cả nước bởi là một di tích lịch sử quý giá của dân tộc. Tân Trào vốn thuộc xã Kim Long huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang. Đây là một địa danh không chỉ đẹp vì cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ mà còn đắc địa về quân sự . Chẳng thế mà ở đây đã lưu truyền câu da dao : “ Kim Long đất hiểm tứ bề. Kẻ địch muốn chết thì về Kim Long

Kim Long đã được đổi tên thành Tân Trào (Trào lưu cách mạng mới) sau khi địa phương làm cuộc khởi nghĩa thành công, chính quyền nhân dân được thành lập vào ngày 11-3-1945. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước. Tại đây Bác Hồ đã ở và làm việc suốt từ tháng 5 đến tháng 8 năm 1945. Ngày 4-6-1945, thực hiện chỉ thị của Bác Hồ, Khu giải phóng chính thức thành lập.Tân Trào được Bác Hồ chọn làm thủ đô của Khu giải phóng

Ngày 15-5-1945, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân và các lực lượng vũ trang khác được hợp nhất mang tên mới do lãnh tụ Hồ Chí Minh đặt: Việt Nam Giải phóng quân. Khu giải phóng với Thủ đô Tân Trào đã trở thành căn cứ cách mạng chủ yếu, là ngọn cờ vẫy gọi, cổ vũ nhân dân cả nước, là hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới sau này. Về mặt quân sự, đó là hậu phương vững chắc cho giải phóng quân xây dựng, phát triển lực lượng, chiến đấu và liên tục giành chiến thắng, bảo vệ và mở rộng Khu giải phóng .

Trong lúc không khí cách mạng đang sục sôi khắp cả nước thì ngày 7-5-1945, phát xít Đức- ý đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Ngày 8-8-1945, Hồng quân Liên Xô đập tan đạo quân Quan đông của phát xít Nhật ở đông bắc Trung Quốc, báo hiệu sự diệt vong tất yếu của phát xít Nhật.

Chủ động tạo thời cơ và đón thời cơ, từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, Hội nghị Toàn quốc của Đảng họp tại Đình Tân Trào dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Đêm 13-8-1945, Uỷ ban khởi nghĩa do Tổng bộ Việt Minh thành lập ra Quân lệnh số 1, kêu gọi nhân dân cả nước vùng dậy giành quyền độc lập cho nước nhà.

Ngày 16-8-1945 Quốc dân Đại hội khai mạc tại Đình Tân Trào, nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, quy định Quốc kỳ, Quốc ca, thông qua mười chính sách lớn của Việt Minh, cử ra Uỷ ban dân tộc giải phóng tức Chính phủ của nước Việt Nam mới do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Vào hai giờ chiều ngày 16-8-1945, một đơn vị giải phóng quân đã tập họp dưới gốc đa Tân Trào, hướng về lá cờ đỏ sao vàng, làm lễ xuất phát tiến đánh thị xã Thái Nguyên, mở đầu cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám. Các đại biểu về dự Quốc dân Đại hội đều có mặt dưới gốc đa cổ thụ cạnh ngôi nhà Hội đồng cứu quốc xã để đưa bộ đội lên đường chiến đấu. Chưa bao giờ Tân Trào lại đón tiếp một đoàn người nhiều màu sắc như vậy. Cùng với màu chàm rừng núi quen thuộc, còn có màu nâu dày dạn của đồng bằng và những màu sắc tươi sáng của đô thị. Những chiến sĩ Giải phóng quân, quần áo đủ kiểu. Đồng chí chỉ huy Võ Nguyên Giáp mặc một bộ vét đã cũ, đội mũ phớt đứng đối diện với hàng quân , xếp thành đội ngũ chỉnh tề, lắng nghe như nuốt lấy từng lời bản Quân lệnh số 1 của Uỷ ban khởi nghĩa do đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc:

“ Hỡi quân dân toàn quốc!

Giờ Tổng khởi nghĩa đã đến!

Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập của nước nhà!…

Mang nhiệm vụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa toàn quốc cho đến toàn thắng, Uỷ ban khởi nghĩa đã thành lập.

Hỡi các tướng sĩ và đội viên quân Giải phóng Việt Nam!

Dưới mệnh lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, các bạn hãy tập trung lực lượng, kíp đánh vào các đô thị và trọng trấn của quân địch, đánh chặn các đường rút lui của chúng, tước vũ khí của chúng! Đạp qua muôn trùng trở lực các bạn hãy kiên quyết tiến !

Hỡi quân dân toàn quốc!

Dưới mệnh lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo quân giải phóng, sung vào bộ đội, xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù.

Chúng ta phải hành động cho nhanh với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!

Tổ quốc đang đòi hỏi những hy sinh lớn lao của các bạn!

Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định về ta

Uỷ ban khởi nghĩa”

Lòng các chiến sĩ rạo rực lạ thường. Trước mắt lá cờ đỏ sao vàng như có vầng hào quang lấp lánh , lồng lộng in trên nền trời Việt Nam

Cây đa Tân Trào toả bóng mát che cho các vị đại biểu, đoàn quân giải phóng trước giờ xung trận.Những cành lá vươn xa như những cánh tay vẫy chào, tiễn biệt đoàn quân, chúc chiến sĩ giành toàn thắng ngay trong trận đầu.

Thực hiện quyết tâm sắt đá “ Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước vùng dậy, triệu người như một, có lực lượng vũ trang làm nòng cốt đã làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.

Tấm ảnh Cây đa Tân Trào, nơi làm lễ xuất phát của đội Giải phóng quân ngày 16-8-1945 với số phim P 239 hiện đang được lưu giữ, trưng bày trong phần Cách mạng Tháng 8 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Nói đến Việt Bắc – căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là chúng ta nhớ ngay đến mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào.

Mình về mình có nhớ ta

Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào

Vâng chúng ta không bao giờ quên và không được phép quên cái nôi cách mạng- Thủ đô gió ngàn, niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam.Trách nhiệm của chúng ta là phải gìn giữ các di tích lịch sử, giáo dục các thế hệ tương lai phát huy truyền thống và niềm tự hào về lịch sử cách mạng của Tân Trào nói riêng- chiến khu Việt Bắc nói chung, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước.

Đoàn Thị Lợi

Hello world!

Tháng Tư 2, 2011 1 Bình luận

Welcome to WordPress.com. This is your first post. Edit or delete it and start blogging!

Chuyên mục:Uncategorized