Lưu trữ

Posts Tagged ‘Hiệp định Pa-ri’

Thành cổ Quảng Trị và cuộc chiến 81 ngày đêm

Tháng Tư 3, 2011 Bình luận đã bị tắt

QĐND Online – Thành Quảng Trị nằm giữa lòng thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A 11km; cách thị xã Đông Hà-tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị hiện nay 14km và cách thành phố Huế hơn 60km. Khu vực này trước đây là địa phận thuộc các làng Thạch Hãn, Cổ Vưu ( Trí Bưu) và Cổ Thành, nay thuộc Phường II, thị xã Quảng Trị. Phía tây được ngăn cách bởi sông Thạch Hãn, con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị. Phía Bắc là sông Vĩnh Định, một chi lưu của sông Thạch Hãn. Phía đông và đông nam là cánh đồng của hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Đây chính là hệ thống giao thông thủy quan trọng nối liền thị xã Quảng Trị với các vùng trong tỉnh và đặc biệt là với thành phố Huế.

Thành phố Quảng Trị được khởi dựng vào năm 1801 với lý do: trước đó, trung tâm hành chính lỵ sở của tỉnh Quảng Trị đặt ở phường Tiên Kiên, huyện Đông Xương, đến năm 1009, một năm sau khi dinh Quảng Trị trở thành trực lệ Kinh sư (cùng với Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Đức), nhận thấy vị trí đóng lỵ sở của Quảng Trị ở Ái Tử- Tiên Kiên không đắc địa, khó có thể hội đủ các điều kiện để trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa cho một vùng trực lệ Kinh sư nên vua Gia Long (nhà Nguyễn) cho chuyển lỵ sở về xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng như hiện nay.

Quá trình xây dựng thành Quảng Trị, từ khi khởi công dưới thời Gia Long đến khi hoàn thiện dưới thời Minh Mạng, kéo dài trong gần 28 năm (1809-1837). Bộ phận kiến trúc chính tạo ra diện mạo vòng quanh của thành Quảng Trị là Phòng thành (Thành ngoài). Cùng những công trình kiến trúc mang các chức năng khác nhau liên quan đến một trung tâm hành chính, được xây dựng và bố trí bên trong Nội thành theo mô hình chung như nhiều tỉnh thành khác. Vì thế, nếu gọi theo đúng nghĩa thành quách (với đầy đủ hai lớp thành là thành trong và thành ngoài) hay dựa theo lối cấu trúc của kinh thành Huế bao gồm Thành ngoại (tức kinh thành) và Thành nội (Đại nội tức Hoàng thành và Tử cấm thành, thì thành Quảng Trị chỉ có Thành ngoài, không có Thành trong. Thành ngoài (Phòng thành) được xây bằng gạch, tổng thể có hình vuông. Thành được cấu trúc theo kiểu Vauban. Đặc điểm của thành lũy cấu trúc theo kiểu Vauban là cả một hệ thống phức hợp các công trình kiến trúc liên quan chặt chẽ với nhau và mang tính chất phòng thủ rất vững chắc. Nhìn toàn cục nó bao gồm các bộ phận chính, kể từ trong thành ra bên ngoài như sau: lũy, pháo đài, tường bắn, những pháo nhãn hay pháo môn, đường phòng hộ chân thành ngoài, hào, đường ngoài hào hay gọi là thành giai, đường kín.

Thành cổ Quảng Trị không chỉ nổi tiếng với kiểu kiến trúc Vauban, Phòng thành mang tính bền vững, ổn định cao; các công trình kiến trúc ở Nội thành thường được thay đổi theo tính chất, công năng và mục đích sử dụng (tùy theo từng thời kỳ lịch sử) mà nổi tiếng hơn (cả trong nước và trên thế giới) là chiến công trụ bám, đánh địch kiên cường trong suốt 81 ngày đêm, hay còn gọi là Đợt 1 của Chiến dịch phòng ngự Quảng Trị (28-6-1972/16-9-1972) của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, đánh bại cuộc phản công của quân đội Sài Gòn được không quân và hải quân Mỹ yểm hộ. Kết quả cả ba đợt trong Chiến dịch phòng ngự Quảng Trị (28-6-1972/31-1-1973), quân và dân ta đã loại ra khỏi vòng chiến đấu 29.000 tên địch (bắt 226), diệt 1 lữ đoàn và 12 đại đội; phá hủy 345 xe tăng, thiết giáp (thu 13 xe), 273 khẩu pháo, bắn rơi 169 máy bay, bắn chìm 9 tàu chiến, thu gần 1.000 súng các loại, giữ vững khu vực giải phóng bắc sông Thạch Hãn. Chiến thắng Quảng Trị góp phần to lớn vào việc buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri (27-1-1973) về chấm dứt chiến tranh lập lại một nền hòa bình ở Việt Nam và rút toàn bộ quân chiến đấu Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta.

THÀNH HÀ